VRG đẩy mạnh chuyển đổi xanh bao trùm và tuần hoàn

Trong những năm qua, VRG đẩy mạnh chuyển đổi xanh bao trùm và tuần hoàn, đảm bảo tính bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng, chung tay vì môi trường.

 

Công nhân cạo mủ trong vườn cao su có Chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long. Ảnh: Thanh Sơn.

Chuyển đổi xanh bao trùm và tuần hoàn

          Là tập đoàn kinh tế có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, từ nhiều năm qua, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã định hướng phát triển dựa trên nền tảng 3 trụ cột: Kinh tế - Môi trường - Xã hội.

         Trên nền tảng đó, từ năm 2019, VRG triển khai thực hiện Chương trình Phát triển bền vững giai đoạn 2019-2024. Đến tháng 9/2023, trên cơ sở các kết quả thực hiện chương trình phát triển bền vững đã đạt được cũng như điều kiện hiện có và khả năng của VRG, Tập đoàn ban hành Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn 2050.

         Mục tiêu tổng quát của Chiến lược này là tiếp tục phát huy các hoạt động phát triển bền vững mà VRG đã triển khai thành công từ 2019-2023; mở rộng từng bước một số hoạt động phù hợp đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia đã cam kết với Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc đến năm 2030; tuân thủ chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đạt được tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, tiến tới góp phần nền kinh tế carbon thấp, giảm phát thải, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính.

          VRG xác định thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững chính là đầu tư cho cơ hội ở tương lai, việc thực hiện các hoạt động “xanh” và “bền vững” cũng là các tiêu chí quan trọng giúp sản phẩm và thương hiệu Tập đoàn đáp ứng yêu cầu khách hàng, đồng thời tạo ra các cơ hội phát triển mới cho Tập đoàn.

          Khi ngày càng có thêm nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết và có hiệu lực, việc tuân thủ yêu cầu mới về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn giúp sản phẩm của Tập đoàn có nhiều cơ hội hơn nữa trong thị trường xuất khẩu với các điểm cộng thể hiện tính “có trách nhiệm” như: sản xuất “xanh”, “bền vững”, “thân thiện với môi trường”.

          Trong những năm qua, VRG luôn chú trọng truyền thông, thông tin trên báo chí về chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Tập đoàn. Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc VRG, chia sẻ, tiên phong và điển hình trong hoạt động tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ngành cao su, Tập đoàn đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh bao trùm và tuần hoàn, đảm bảo tính bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng, chung tay vì môi trường thân thiện và tích cực đóng góp cho xã hội, cộng đồng.

            Đến hết năm 2024, VRG có 34 công ty thành viên xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho tổng diện tích 286.901ha. Trong đó, 18 công ty thành viên được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC với diện tích 215.624ha. Hiện tại, 17 công ty đã được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC-FM cho tổng diện tích khoảng 120.610ha cao su. Đồng thời, có 38 nhà máy chế biến cao su thiên nhiên, chế biến gỗ và sản phẩm công nghiệp cao su của Tập đoàn, đạt PEFC-CoC về chuỗi hành trình sản phẩm.